Bánh ép Huế là món ăn có lẽ không còn xa lạ gì đối với người dân địa phương cũng như du khách mỗi lần tới Huế. Những chiếc bánh ép nhỏ dai dai với vị béo ngậy của trứng, đậm đà của thịt tôm và mùi thơm của rau dưa,.. làm nên món ăn trứ danh. Để biết bánh ép có gì hấp dẫn, hãy cùng tourhue.vn khám phá tại 10 quán nổi tiếng về món này nhé!
Giới thiệu về bánh ép Huế – Đặc sản lạ miệng ai cũng mê
Bên cạnh các loại bánh quen thuộc như: bánh bèo, bánh nậm, bánh lọc,… thì ẩm thực Huế không thể thiếu bánh ép. Một món ăn vặt đã gắn với tuổi thơ của bao người.
Bánh ép Huế là gì?
Bánh ép là một món ăn hấp dẫn, mang đậm hương vị cố đô. Thoạt nhìn bánh khá giống với bánh tráng nướng nhưng thực chất là hai loại bánh hoàn toàn khác biệt. Không chỉ khác nhau về thành phần, hương vị mà còn khác nhau về cả cách chế biến.
Cũng là các nguyên liệu quen thuộc như bột, tôm, thịt, trứng,… nhưng bánh ép Huế được ép thủ công bằng khuôn gang trên bếp than hồng. Khi ép, bánh được đặt ở giữa hai tấm gang đã bôi dầu, đóng lại và dùng hai tay ép thật chặt khoảng 5 – 7 giây.
Tiếp đó sẽ mở khuôn ra, cho thêm trứng cút sống và tôm, thịt vào ép thêm vài giây nữa là hoàn thành. Có lẽ cách làm sáng tạo và khác biệt này nên người ta gọi là “bánh ép”.
Nguồn gốc món bánh ép Huế
Bánh ép được cho là có nguồn gốc từ vùng biển Thuận An, nơi nổi tiếng có những vựa hải sản dồi dào. Thuận An có truyền thống lâu đời với nghề làm bánh ép và cũng là nơi cung cấp nguồn nguyên liệu cho món này.
Sau khi món bánh ép Huế đặc sản Thuận An được phổ biến, món này đã có ở khắp các nơi trên địa bàn tỉnh. Mặc dù vậy, khi nhắc tới bánh ép mọi người vẫn nghĩ đến bánh ép Huế Thuận An đầu tiên.
Hương vị bánh ép ở Huế có gì đặc biệt?
Đối với nhiều người dân thế hệ 8x ở Huế có lẽ không còn xa lạ gì với bánh ép. Đây được xem là món ăn tuổi thơ.
Đồng thời, các bạn học sinh, sinh viên cũng lựa chọn bánh ép làm món ăn vặt cho mỗi buổi chiều hay ăn đêm. Một phần không chỉ vì giá thành rẻ mà có lẽ vì hương vị đặc biệt và dễ ăn.
Ban đầu, bánh ép Huế truyền thống chỉ có bột lọc, trứng, ăn kèm với rau sống và chấm nước mắm ngọt. Còn bây giờ món này đã có sự biến tấu đa dạng hơn với nhiều loại nhân như: tôm, thịt, xúc xích, pate,… đáng ứng khẩu vị đa dạng của thực khách.
Chiếc bánh ép tuy nhỏ, tuy mỏng nhưng khi ăn bạn sẽ cảm nhận được vị dai dai, béo ngậy của bột, mùi thơm của hành lá, thịt, trứng. Thêm rau dưa giòn giòn, tất cả hòa quyện tạo nên một món ăn khó cưỡng.
Điểm đặc biệt của bánh ép Huế chính là nước chấm. Có quán thì pha nước mắm nguyên chất pha ớt bột. Có chỗ thì pha nước mắm chua ngọt, chỗ thì dùng nước mắm trộn ớt chưng hoặc tương ớt.
Chính cái vị cay xè và thơm nồng trong nước mắm góp phần kích thích người ăn. Khiến món ăn này càng thêm đậm đà, ăn hoài không ngán.
Bánh ép Huế có mấy loại, giá bao nhiêu?
Giờ đây, bánh ép không còn là món ăn của những người dân xứ Huế hay các bạn học sinh, sinh viên. Nó đã trở thành một trong những món ngon mà hầu như du khách nào tới du lịch Huế đều tìm thử.
Các loại bánh ép ở Huế
Là món ăn bình dị nhưng bánh ép lại mang trong mình hương vị diệu kỳ. Ngoài sự đa dạng về nhân bánh thì bánh cũng có 2 loại cho mọi người lựa chọn.
+ Bánh ép Huế dẻo: Hay còn gọi bánh ép ướt là loại được ép trên khuôn gang và thưởng thức tại chỗ ngay khi còn nóng. Khi ăn sẽ cuốn cùng với rau rau, chua ngọt, dưa leo và chấm nước chấm.
+ Bánh ép Huế khô: Loại này được ép trong khoảng thời gian dài đến khi nào bánh khô lại và đạt độ giòn nhất định. Bánh ép khô cũng sử dụng các nguyên liệu giống như bánh ép dẻo nhưng ăn giòn giòn như bánh tráng vô cùng lạ miệng. Thích hợp để mua về làm quà.
Bánh ép Huế giá bao nhiêu?
Trong danh sách các món ăn ngon, bình dân ở Huế luôn có bánh ép. Mặc dù giá cả cái gì cũng cao nhưng bánh ép vẫn còn giữ mức rất bình dân.
- Đối với bánh loại nhỏ: giá khoảng 2.000 – 3.000đ/cái
- Đối với bánh loại to: giá khoảng 4.000 – 5.000đ/cái
Đối với bánh ép dẻo Huế sẽ được phục vụ kèm rau, dưa, nước chấm. Còn đối với bánh ép khô Thuận An thì sẽ được đóng gói trong túi bóng mỗi túi 8 – 10 cái cho du khách thuận tiện mang đi xa.
>> Xem thêm: “Truy tìm” 15 quán bánh khoái Huế ngon, chuẩn vị ở cố đô
Bánh ép Huế Cầu Hai có gì khác bánh ép Thuận An?
Ở Huế, khi nhắc tới bánh ép hầu như ai cũng nghĩ đến bánh ép Thuận An. Tuy nhiên, Cầu Hai cũng là một nơi làm bánh ép ngon và đặc sắc không kém.
Bánh ép Cầu Hai Huế cũng có cách chế biến tương tự như bánh ép Thuận An nhưng phần rau ăn kèm lại rất cầu kỳ.
Bánh sẽ ăn kèm cùng với dưa leo, bắp chuối, xà lách, rau muống chẻ, giá và nước chấm là mắm nêm chứ không phải nước mắm. Vì thế nên người ta gọi là bánh ép mắm nêm Cầu Hai.
Chiếc bánh ép Huế ở Cầu Hai to khoảng bằng bàn tay người lớn, dẻo thơm. Phần nhân được làm từ thịt nạc heo và tôm tẩm ướp gia vị đậm đà.
Nước mắm nêm pha với tỏi, ớt xay nhuyễn thêm chút mì chính và đường. Khuấy đều lên tạo thành chén nước chấm nứt mũi. Khi ăn, bạn cũng cuộn tất cả nguyên liệu vào bánh và chấm mắm nêm.
Nếu có dịp bạn hãy thử bánh ép của cả Thuận An và của Cầu Hai để cảm nhận xem như thế nào nhé!
Tiết lộ 10 quán bán bánh ép Huế ngon, ai ăn cũng mê
Bánh ép xuất hiện hầu như trên mọi con phố ở Huế. Đến Huế, rất dễ dàng để bắt gặp các quán bánh ép ven đường hay trong từng con phố nhỏ. Dưới đây, tourhue.vn sẽ bật mí cho bạn 10 ngon, nổi tiếng nhất.
1. Bánh ép chị Huệ
Đây là một quán bánh ép Huế Lê Ngô Cát đã quá nổi tiếng, được giới trẻ tìm tới rất đông. Bánh ở đây vừa to mà còn đầy đủ các loại topping: trứng, thịt. Khi ăn,bạn sẽ cảm nhận được vị cay cay, ngọt mặn đan xen khó tả.
Mặc dù nằm hơi xa trung tâm thành phố một chút nhưng vì sức hấp dẫn của bánh, thực khách vẫn không ngại đường sá tìm đến thưởng thức.
Nguyên liệu sạch, bánh dẻo thơm, nóng hổi, giá cả phải chăng nên bánh ép Huệ luôn đông khách cũng là điều hiển nhiên.
- Địa chỉ: 118 Lê Ngô Cát, phường Thủy Xuân, thành phố Huế
- Giờ mở quán: 14h00 – 21h00
2. Bánh ép Huế Gia Di
Bánh ép Gia Di Huế là một trong những địa chỉ bán bánh ép ngon mà bạn không nên bỏ qua. Bánh ở đây có đặc điểm lớp bột trứng mỏng, cùng với hành, thịt luôn được ép nóng hổi.
Đi kèm là nước chấm được pha theo bí quyết riêng nên khó trùng lặp về hương vị. Đảm bảo bất kỳ ai ăn thử cũng sẽ mê ngay.
Ngoài bánh ép Huế, quán còn có thêm bánh ép khô, bánh mặn, nem nướng và rất nhiều món ăn vặt, món nướng khác.
Gia Di Quán có không gian rộng rãi, thoáng và sạch sẽ. Chất lượng phục vụ tốt nên luôn để lại ấn tượng trong lòng thực khách.
- Địa chỉ: số 4 Phùng Chí Kiên, phường Xuân Phú, thành phố Huế
- Giờ mở quán: 8h00 – 21h30
3. Bánh ép Nguyễn Du Huế
Quán bánh ép Huế Nguyễn Du tuy có vẻ bề ngoài khá bình thường nhưng lại là nơi có món bánh ép phi thường. Bánh ở đây luôn được mọi người đánh giá rất ngon với nhiều lựa chọn như: nhân bò khô, thịt, pate, thập cẩm.
Quán này bán theo dĩa, mỗi dĩa 4 bánh tương đương với 4 loại nhân, giá khoảng 10.000đ. Tất nhiên là bạn có thể gọi bất kỳ loại nhân nào cũng được. Nước mắm có sẵn bạn tự pha theo sở thích mặn, ngọt tùy ý.
Với mức giá tỷ lệ nghịch với chất lượng nên không lấy làm ngạc nhiên khi quán bánh ép Huế này luôn thu hút nhiều du khách. Bạn cũng có thể thử thêm bánh tráng nướng, bánh tráng trộn, gỏi xoài,.. nữa nhé.
- Địa chỉ: 20 Nguyễn Du, thành phố Huế
- Giờ mở quán: 7h30 – 22h00
>> Tha, khảo: Review quán ăn ngon ở Huế – List 35 địa chỉ bạn nên thử
4. Bánh ép Cây Dừa Huế
Đối với người dân địa phương, đặc biệt là giới trẻ khi nhắc đến bánh ép Huế Cây Dừa không ai là không biết. Từ những ngày đầu “hành nghề” quán này đã nổi tiếng rồi.
Khách của quán có đủ tầng lớp nhưng đông nhất vấn là các bạn học sinh, sinh viên. Tuy lúc nào quán cũng trong tình trạng đông khác. Nhưng phục vụ vẫn rất nhanh nhẹn để thực khách luôn được ăn luôn miệng, tránh bị gián đoạn.
Những chiếc bánh ép Huế vừa ra lò nóng hổi, cuộn cùng với một ít tré, rau dưa. Chấm cùng nước chấm đặc trưng thật là tuyệt vời.
- Địa chỉ: 69 Tùng Thiện Vương, xóm 6, thành phố Huế
- Giờ mở quán: 14h30 – 22h00
5. Bánh ép Trang
Bánh ép Trang là một trong số các quán bánh ép Huế khá nổi tiếng. Ở đây phục vụ món bánh ép Cầu Hai chứ không phải bánh ép Thuận An truyền thống. Do đó có một số điểm khác biệt hơn.
Đầu tiên là rau ăn kèm, quán Trang có rất nhiều loại chứ không chỉ rau rau và xà lách, dưa leo. Thứ hai là nước chấm, ngoài mắm trong pha loãng thì chủ yếu quán sử dụng mắm nêm.
Menu bánh ở đây rất đa dạng, nhiều sự lựa chọn. Khách đông nhưng bánh ra nhanh, không phải đợi lâu, nhân viên phục vụ nhanh nhẹn. Ngoài bánh ép Huế Cầu Hai ra, quán còn có nhiều loại nước uống cũng khá ngon.
Giá cả được nhận xét phù hợp với chất lượng món ăn. Về không gian tuy không quá rộng nhưng không lo hết chỗ, sạch sẽ, mát mẻ.
- Địa chỉ: Số 3 Lê Viết Lượng, phường Xuân Phú, thành phố Huế
- Giờ mở quán: từ 11h00 – 22h30
6. Quán bánh ép Cây Sứ
Quán này nằm nép mình trong một con ngõ nhỏ nhưng không lúc nào vơi khách. Đến đây, bạn sẽ được trải nghiệm hương vị bánh ép Huế đặc trưng do cách chế biến vô cùng đặc biệt.
Mỗi chiếc bánh khi đưa đến tay thực khách luôn nóng hổi, thỏa mùi thơm lừng, nhân thì đầy ú ụ. Rau dưa bạn có thể lấy thỏa thích. Giá cũng phù hợp với chất lượng.
Bên cạnh đó, một điểm cộng là không gian quán sạch sẽ, cô chủ và cả nhân viên đều rất hòa đồng, chu đáo. Có dịp tới Huế, bạn hãy ghé thử quán bánh ép Huế nổi tiếng này nhé!
- Địa chỉ:31/103 Nhật Lệ, phường Thuận Thành, thành phố Huế
- Giờ mở quán: từ 14h00 – 21h00
7. Tiệm bánh ép 1992
Theo nhiều thực khách đánh giá, bánh ép ở tiệm này cái nào cái nấy rất chất lượng, topping tràn nhiều vô kể. Bánh ở đây làm theo kiểu cầu Hai nên khi ăn sẽ có thêm bắp chuối, giá, và rau muống chẻ, chấm với mắm nêm cực hợp.
Bạn nào không ăn được mắm nêm thì thử bánh ép Huế với nước mắm cũng rất ngon. Giá 24.000đ/dĩa 4 cái bánh pate và 28.000đ/dĩa 4 bánh tôm thịt. Nhìn chung khá phải chăng.
Quán còn bán thêm nhiều tré, đặc biệt là ốc nhồi đỉnh lắm. Ốc ăn nước mắm, tắc, lá chanh, chua cay mặn ngọt hòa quyện, đưa miệng vô cùng.
- Địa chỉ: 7/18 Hoàng Quốc Việt, phường An Đông, thành phố Huế
- Giờ mở quán: từ 12h00 – 21h00
8. Bánh ép Na
Bánh ép Huế quán Na là địa chỉ tiếp theo mà tourhue.vn nghĩ nếu có dịp thử bạn sẽ không khỏi tấm tắc. Bánh dẻo dai, độ dày vừa phải, mùi pate thơm lừng, tôm thịt thì đậm vị. Trong đó, bánh ép pate được đánh giá là best seller nhất, ăn là ghiền.
Nước chấm bánh mặn ngọt vừa phải, thích hợp để ăn cùng rất nhiều món. Rau và dưa ăn kèm tuy không quá đa loại nhưng tươi và sạch.
Menu quán còn có vô vàn món khác, tha hồ cho bạn lựa chọn. Nếu sau khi ăn bánh ép Huế mà thấy vẫn chưa no, bạn hãy thử thêm bánh mì ép ở đây nha, rất là ngon.
Hạn chế của quán Na là nằm hơi xa và trong kiệt hơi khó tìm. Không gian không quá rộng rãi. Tuy vậy vẫn được khách ủng hộ rất nhiệt tình.
- Địa chỉ: Kiệt 329 Huỳnh Thúc Kháng, phường Thuận Lộc, thành phố Huế
- Giờ mở quán: từ 15h00 – 21h00
9. Bánh ép O Nị
Quán này nằm sau một con hẻm nhỏ nhưng lại được rất nhiều người biết và tìm tới ăn. Chỉ 3.000đ cho một chiếc bánh ép Huế, rất rẻ nhưng hương vị khiến bao người ngạc nhiên.
Nhân bánh có nhiều loại cho bạn lựa chọn như: nhân tôm, thịt, pate, trứng. Nước châm thì có hai loại: mắm nêm và mắm ớt bột, loại nào cũng được pha rất vừa miệng.
O Nị còn có bán bánh ép khô Huế ngon để làm quà, giá mỗi bịch 25.000đ/10 cái. Nếu có ý định mua mang về, bạn hãy mua luôn ở đây nhé!
- Địa chỉ: 68 Điện Biên Phủ, phường Đức, thành phố Huế
- Giờ mở quán: từ 14h00 – 19h00
10. Bánh ép O Du
Cuối cùng trong danh sách những quán bánh ép Huế ngon mà tourhue.vn muốn review, đó là quán O Du. Quán nằm trên mặt tiền đường Trần Quốc Toản nên bạn nào đi ngang qua hay tiện đường thì hãy ghé vào thử.
Khách của O Du chủ yếu là người địa phương, nhưng đó là trước kia. Bây giờ thì quán thu hút rất đông giới trẻ và cả khách du lịch.
Bánh ép ở đây được nhận xét khá dai, vị nhạt vừa phải, thích hợp khi kết hợp cùng các loại rau và chấm nước mắm. Ngon nhất vẫn là bánh ép Huế pate và thập cẩm. Ngoài ra tré cũng rất đáng thử.
Tuy quán không có nhân viên, người nhà phục vụ nhưng vẫn rất nhanh nhẹn, lên món nhanh. Cộng với mức giá bình dân nên khách càng ngày càng đông.
- Địa chỉ: 59 Trần Quốc Toản, phường Tây Lộc, thành phố Huế
- Giờ mở quán: từ 10h00 – 20h00
>> Gợi ý: 12 quán cơm hến Huế – Nơi thưởng thức đặc sản cố đô chuẩn vị
Cách ăn bánh ép Huế như thế nào mới đúng?
Dù đang học tập, sinh sống ở Huế hay chỉ đến Huế công tác, du lịch, bạn tuyệt đối không được bỏ qua món bánh ép bình dị mà thơm ngon.
Lưu ý khi ăn bánh ép Huế dẻo bạn phải thưởng thức trực tiếp tại chỗ, khi bánh còn nóng hổi thì mới ngon. Tất nhiên đi kèm luôn phải có một dĩa rau, dưa leo và chua ngọt.
Tiếp theo, bạn cuốn tất cả vào trong chiếc bánh ép và chấm với nước chấm. Khi ăn hãy nhai chầm chậm, bạn sẽ cảm nhận được vị béo béo, bùi bùi và thơm của bánh ép. Xen lẫn là vị mặn ngọt của nước mắm, vị cay cay của ớt và vị tươi xanh của rau sống.
Bánh ép nếu mua về sẽ nguội đi và ăn không còn thơm như cách ăn đến đâu ép đến đó. Vì thế, muốn thưởng thức món này bạn hãy sắp xếp thời gian đến tận quán nhé!
>> Tham khảo: TOUR HUẾ 1 NGÀY TỪ ĐÀ NẴNG
Cách làm bánh ép Huế ngon như người Huế tại nhà
Bánh ép là một đặc sản riêng của cố đô nhưng giờ đã lan rộng ra nhiều tỉnh thành. Do đó, bạn cũng có thể học cách và tự làm món này tại nhà.
Nguyên liệu làm bánh ép Huế
Bánh ép ở Huế gốc được làm từ bột gạo, trứng, thịt heo, hành lá và ăn kèm rau, nước mắm. Hiện nay, nhiều chỗ đã biến tấu thêm nhiều phiên bản khác cho phù hợp với khẩu vị của người dân. Về cơ bản để làm bánh ép tại nhà, bạn cần chuẩn bị:
- Bột lọc
- Trứng
- Thịt heo, tôm
- Hành lá
- Rau thơm, rau rau, xà lách, dưa chuột
- Ớt tươi, tỏi
- Gia vị
- Khuôn làm bánh ép Huế
Hướng dẫn làm bánh ép Huế
Bánh ép tuy không khó làm và cũng không mất quá nhiều thời gian nhưng phải qua một số công đoạn chính. Cụ thể:
+ Cách pha bột bánh ép Huế: Bột lọc bạn nhồi với nước ấm, cho thêm một chút muối để bột bánh đậm hơn. Sau đó nhồi thành khối bột dẻo, mịn và chia thành từng viên nhỏ.
+ Cách ướp thịt làm bánh ép Huế và tôm: Thịt và tôm, bạn sơ chế sạch, ướp với một ít hành lá và ớt. Sau đó đặt nhân thịt hoặc tôm vào bột bánh, đè dẹt ra.
+ Ép bánh: Phết một ít dầu vào khuôn gang và để trên bếp than hồng. Khi khuôn đã nóng thì đặt cục bột kèm nhân vào chính giữa khuôn. Ép hai mặt khuôn lại thật chặt để trong khoảng 5 – 7 giây cho lớp bột tỏa ra khắp khuôn.
+ Thêm trứng vào bánh: Mở khuôn ra, cho một ít trứng vào và tiếp tục ép thêm một chút nữa là được. Nhớ lật đều hai mặt để bánh chín đều hơn.
+ Cách pha nước chấm: Nước chấm là “cái hồn” của món bánh ép vì thế cần sự khéo léo. Bạn pha nước mắm cùng với một ít nước lọc, đường, mì chính, tỏi, ớt băm theo tỉ lệ vừa miệng. Hoặc cũng có thể dùng nước mắm trộn với ớt tươi hoặc tương ớt.
Như vậy là hoàn thành. Chỉ cần rửa rau và cắt dưa leo thành từng miếng vừa ăn nữa là đã có thể thưởng thức ngay rồi.
Một số lưu ý khi thưởng thức bánh ép Huế
Dạo quanh một vòng Huế con số quán bánh ép phải có tận hàng chục quán. Như vậy cũng đủ thấy sức hấp dẫn của loại bánh này như thế nào rồi. Một số lưu ý dưới đây sẽ rất hữu ích cho trước khi thưởng thức nó.
- Bánh ép dẻo Huế có nhiều loại nhân khác nhau. Nếu chưa biết loại nào ngon, hợp khẩu vị, bạn hãy gọi và thử tất cả. Hầu hết các quán đều có đủ topping.
- Trước khi chọn quán bánh ép, bạn hãy đọc qua review/đánh giá của những vị khách trước. Lưu ý không phải quán nhỏ, xấu là dở đâu nhé!
- Tùy vào quán mà giá bánh ép Huế sẽ chênh lệch. Thường những quán truyền thống bình dân sẽ rẻ hơn những quán sang trọng (ở quán sang giá tầm 7.000đ/cái).
- Bánh ép thường chỉ thích hợp để ăn trưa, ăn xế hoặc ăn đêm. Vì thế mà đa phần các quán không mở cửa buổi sáng. Bạn hãy lưu ý điều này.
- Đối với bánh ép dẻo thích hợp để ăn tại chỗ hơn mà ship về. Nếu bạn muốn mua bánh ép đặc sản Huế làm quà thì hãy chọn loại khô.
- Bánh ép phải ăn kèm đầy đủ rau dưa và nước chấm phải có ớt cay thì mới đúng vị gốc của món ăn này.
- Đặc điểm của loại bánh này là ăn đến đâu ép đến đó. Hơn nữa mỗi người tầm 4 – 5 cái là no, do đó bạn đừng gọi một lượt mà hãy gọi từ từ nhé.
Đặc sản bánh ép Huế và những thắc mắc của du khách
Tại Đà Nẵng, Hội An hay Bình Dương, Sài Gòn, Hà Nội,… ngày nay đều có quán bán món đặc sản Huế này. Tuy nhiên, với những vị khách chưa từng ăn vẫn muốn tìm hiểu thêm về nó.
Bột làm bánh ép Huế là bột gì?
Như đã thông tin ở trên, bánh ép Huế được làm từ bột lọc hoặc bột năng nhào mịn. Kết hợp với các nguyên liệu khác để tạo nên một món ăn hoàn chỉnh. Loại bột này có đặc điểm dẻo dai nên ăn rất vui miệng và lâu ngán.
Bánh ép Huế bao nhiêu calo, ăn có mập không?
Chưa có một thông tin hay nghiên cứu nào đánh giá về lượng calo trong bánh ép. Tuy nhiên, trong một dĩa bánh lọc bình thường đã chứa khoảng 487 calo. Trong khi bánh ép làm từ bột lọc và nhiều nguyên liệu khác nên lượng calo chắc chắn sẽ nhiều hơn con số này.
Do đó, bạn không nên ăn quá nhiều vào một bữa để tránh cơ thể nạp nhiều calo, gây mập lên.
Bánh ép khô Huế mua ở đâu?
Bánh ép khô là đặc sản làm quà rất lý tưởng mà du khách thường lựa chọn sau mỗi chuyến đi. Bánh được đóng trong những chiếc túi sạch sẽ, đẹp mắt và lại có giá rất bình dân. Nếu ở Huế, bạn có thể ghé các địa chỉ sau để mua:
- Bánh ép Cô Heo Huế: 03 Nguyễn Sinh Cung, thành phố Huế
- Bánh ép Hue One Food: 01 Nguyễn Văn Tuyết, phường Thuận An
- Bánh ép Gia Di: 4 Phùng Chí Kiên, phường Xuân Phú
Bạn cũng có thể mua tại các khu chợ truyền thống như chợ Đông Ba, chợ An Cựu, đặt shopee hoặc mua bánh ép khô Huế ở Sài Gòn,… chẳng hạn.
Có bánh ép Huế chay không?
Có nhé! Để đáp ứng nhu cầu của các tín đồ ăn chay nhưng muốn thử bánh ép thì Huế cũng chiều lòng khách với món bánh ép chay vị nấm hương, bánh ép chạy vị sen Huế,… bạn tham khảo thử nhé.
Hình ảnh bánh ép Huế nhỏ xíu nhưng chứa nhiều điều đặc biệt, là sự hòa quyện của nhiều dư vị: béo ngậy, dai dai, chua giòn, thơm thơm của các nguyên liệu. Tất cả tạo nên món ăn “gây nghiện” tới mức khách ăn chưa hết cái này đã gọi cái khác. Nếu bạn có dịp ghé thăm Huế hãy ghé quán và thử ngay để cảm nhận nhé!
Tuyết Nhi – Tourhue.vn